Cái bật lửa nào thì cũng chỉ có hai chuyện: 1/ tạo ra được tia lửa; 2/ có được chất giữ lửa.
- Nhìn theo chiều "lịch đại", thì đá đập vô đá tạo ra tia lửa, còn bùi nhùi dùng để giữ lửa là cái "bật lửa" đầu tiên. Rồi từ cái bánh xe với viên đá lửa đến hai dòng điện trái chiều chạm nhau mà tạo ra tia lửa; rồi từ mở động vật, dầu thực vật, dầu lửa, xăng đến ga... thay nhau làm chất giữ lửa v.v... đã làm ra đủ kiểu bật lửa từ xưa đến nay, ngày càng tiện dụng hơn, càng đẹp hơn. Đó là "lịch sử văn minh". Mà đó đâu phải là chuyện nói chơi cho ra vẻ uyên bác. hãy nhìn lại đi, không chừng nó là một phần trong ký ức của mỗi chúng ta. Ở nhà ba mẹ tôi đến giờ vẫn còn sót lại vài cái bật lửa Trung Quốc thời bao cấp. Mỗi lần nhìn thấy nó, tôi nhớ lại bao nhiêu chuyện. Ông anh cả của tôi là lính của chế độ cũ. Đến giờ, anh vẫn còn giữ hết sức cẩn thận cái bật lửa Zippo có từ thời đó. Với anh, đó là một kỷ vật. Ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh-Sài Gòn-người ta bày bán khá nhiều bật lửa Zippo cũ. Mua, thường là các cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam trước 1975. Rõ ràng với họ, nó có ý nghĩa máu thịt...
- Nhìn theo chiều "đồng đại", trước đủ các loại bật lửa có hình dáng khác nhau và giá trị khác nhau và cách ứng xử của mọi người với chúng, cũng có thể thấy bao nhiêu chuyện rắc rối trong thế giới con người hiện tại...
- Tôi thỉnh thoảng về đến nhà, móc túi quần mới phát hiện cầm nhầm hai, ba cái bật lửa ga rẻ tiền của thiên hạ. Biết cầm nhầm là bậy, nhưng bởi nó quá tầm thường nên thường, có băn khoăn một chút rồi cũng quên ngay. Mà hình như ai cũng vậy. Nhưng đó chỉ là với cái bật lửa rẻ tiền. Với cái Zippo thì khác. Giả vì mình cũng có một cái như thế mà cầm nhầm của người khác, thì khi phát hiện, sẽ phải điện thoại báo rồi sau đó trả ngay. Bằng không, có thể bị coi là đồ ăn cắp. Cái Zippo không đơn giản là thứ để mồi thuốc nữa. Nó có thể là đồ "trang sức" mà cũng có thể là vật "lưu niệm" của người ta! Đến cái Dupont thì ngay cả chuyện cầm nhầm cũng là điều không thể. Cầm của người khác bỏ túi mình đích thị chỉ là ăn cắp!...
- Ngồi quán cafe', nhìn thiên hạ mồi thuốc bằng các loại bật lửa khác nhau mà có khi không nhịn được cười! Với cái bật lửa bình thường, thiên hạ nhiều khi rất lơ đễnh. Nhưng với cái Zippo thì khác. Cái động tác bật lửa mồi thuốc cũng thành bài thành bản hẳn hoi. Xem ra điệu nghệ lắm! Còn với cái Dupont, thì việc mồi thuốc, có vẻ y như một "nghi lễ"-"nghiêm trọng từ cách móc cái bật lửa từ bao da đeo kè bên hông, đến cái kiểu đầu nghiêng nghiêng như để tận hưởng tiếng "kong..."trong veo vang lên khi bật nắp..., rồi lim dim mồi thuốc... Trông "đẳng cấp" quá chừng chừng
- Thế giới cái bật lửa, vậy mà cũng lắm chuyện sân si. Nó có thể là đầu câu chuyện nào đó. Nó có thể góp phần làm nên hình ảnh một con người "giả hiệu" nào đó. Nó có thể là hình ảnh đầu tiên làm bao cô gái ngộ nhận về "đẳng cấp" của một gã đàn ông đễu giả nào đó. Nó có thể là đồ giả nhưng mã ngoài cứ y như thật khiến bao nhiêu đại gia phải "ngậm đắng nuốt cay" bởi sợ nói ra lòi mặt tay chơi giả cầy! Nó có thể là đồ nhái sản xuất hàng loạt từ Trung Quốc với giá rẻ bèo, mù mờ nhẫn hiệu-từ Dupont thành Dupant-để cho các anh ít tiền mua về "mà mắt các em"!
- Cái Zippo được xem như một biểu tượng quốc gia của Mỹ; cái Dupont được xem như một biểu tượng quốc gia của Pháp
- v.v... và v.v...
- Do tầm quan trọng của lửa trong đời sống con người, ngay từ thời xa xưa, cái việc đi xin lửa với việc giữ lửa, làm ra lửa là nỗi ám ảnh lớn. Làm ra cái bật lửa, trở thành cách nói hình tượng cho tinh thần thực tiễn. Và xa hơn, cho triết lý giáo dục...
- Cách tạo lửa và giữ lửa của cái bật lửa cũng giống như như cách tạo lửa và giữ lửa trong đời sống tinh thần con người (hiểu như một thứ năng lượng tư duy). Đó là sản phẩm va đập giữa tư duy với thực tại và được nuôi dưỡng bởi đam mê và nghị lực...
- Câu chuyện đến đây, đã trở thành bất tận...